Chính sách mới của Ấn Độ tác động ra sao với ngành lúa gạo Việt Nam?

Chính sách mới của Ấn Độ tác động ra sao với ngành lúa gạo Việt Nam?


Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo số 1 thế giới hiện nay đang thực hiện chính sách hạn chế xuất khẩu. Điều này, đã tác động ra sao đối với thị trường lúa gạo Việt Nam?

                                                   Ngành lúa gạo Việt Nam bị tác động mạnh từ chính sách mới của Ấn Độ – Ảnh: Trung Chánh

Việc áp thuế “đẩy” gạo Ấn Độ vào thế khó

Với lợi thế giá thấp hơn các đối thủ cạnh tranh trong cùng phân khúc, gạo Ấn Độ tiếp tục là “tâm điểm” nhập khẩu của nhiều nước trên thế giới, đạt hơn 11,3 triệu tấn chỉ trong nửa đầu năm 2022. Đây cũng là con số lớn nhất trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới hiện nay, bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Pakistan…

Thực tế, ở thời điểm cuối tháng 8-2022 vừa qua, gạo 5% tấm của Ấn Độ được chào bán với giá chỉ khoảng 338 đô la Mỹ/tấn (giá FOB), thấp hơn của Việt Nam khoảng 55 đô la Mỹ/tấn, thấp hơn Thái Lan khoảng 100 đô la Mỹ/tấn so và thấp hơn Pakistan 40 đô la Mỹ/tấn.

Nếu lấy mức giá gạo của Ấn Độ tại thời điểm cuối tháng 8-2022 là 338 đô la Mỹ/tấn để tính toán, thì với việc bị áp thuế 20% (tương đương trên 67 đô la Mỹ/tấn) có nghĩa giá gạo của Ấn Độ sẽ tăng lên mức giá 405 đô la Mỹ/tấn, tức cao hơn gạo 5% tấm của Việt Nam khoảng 12 đô la Mỹ/tấn và khoảng 27 đô la Mỹ/tấn so với Pakistan, nhưng vẫn cạnh tranh hơn so với gạo của Thái Lan.

Trong khi đó, với phân khúc gạo tấm, thì cường quốc xuất khẩu gạo số một thế giới hiện nay đã quyết định cấm xuất khẩu.

Trao đổi với KTSG Online, bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thực phẩm Long An cho biết, việc Ấn Độ ban hành chính sách mới như nêu trên là nhằm ứng phó với những rủi ro về an ninh lương thực xuất phát từ hạn hán xảy ra ở quốc gia này.

Giá gạo Việt chịu tác động theo hướng tích cực?

Chưa biết Ấn Độ sẽ kéo dài chính sách mới trong bao lâu, nhưng rõ ràng động thái này đã khiến gạo Ấn Độ đang rơi vào tình thế suy giảm sức cạnh tranh.

Ông Nguyễn Văn Thành, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV cho biết, khi nhìn vào thực tế xuất khẩu, thì phân khúc gạo của Ấn Độ và Việt Nam khác nhau. “Ấn Độ chủ yếu bán gạo khô cơm (cấp thấp, tương tự giống IR 50404 của Việt Nam trước đây – PV), trong khi Việt Nam bán gạo dẻo, gạo thơm là chủ yếu”, ông Thành dẫn chứng.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt trên 4 triệu tấn, trong đó, có trên 1,5 triệu tấn gạo thơm và khoảng 2 triệu tấn gạo trắng chất lượng cao như: OM18, OM5451… và các giống gạo nếp, gạo lứt, hữu cơ và giống Nhật.

Tuy không cùng phân khúc chất lượng, nhưng việc Ấn Độ áp thuế xuất khẩu gạo 20% đã phần nào tạo lực đẩy khiến giá gạo Việt Nam sôi động trở lại trong những ngày gần đây.

Ông Thành cho biết, so với thời điểm ngày 9-9, tức khi có thông tin Ấn Độ áp 20% thuế xuất khẩu gạo, thì đến hôm nay đã tăng khoảng 300-400 đồng/kg. “Gạo Việt Nam hiện nay có hai loại chính là OM5451 và OM18, thì gạo nguyên liệu mới từ mức giá 8.100-8.200 đồng/kg nay đã tăng lên 8.500-8.600 đồng”, ông dẫn chứng.

Trong khi đó, theo bà Liên của Công ty TNHH Lương thực Thực phẩm Long An, trước khi có thông tin Ấn Độ ban hành chính sách mới, thì gạo trắng chưa sortex (gạo chưa tách màu để loại bỏ hạt không đạt chất lượng) chẳng hạn đối với giống OM18 có giá 8.700 đồng/kg, thì hiện nay đã vượt lên lức giá 9.100 đồng/kg, tức đã tăng 400 đồng/kg. “Nói chung tất cả các loại gạo của Việt Nam đều tăng giá sau khi Ấn Độ áp thuế đối với gạo xuất khẩu”, bà nói.

Còn với việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm, theo ông Thành, sẽ tác động đáng kể đến các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam, bởi hiện nay Việt Nam đang thiếu hụt và phải nhập khẩu một lượng lớn từ quốc gia này.

Cụ thể, bà Liên dẫn số liệu từ báo cáo của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, lượng gạo Việt Nam đã nhập khẩu từ Ấn Độ trong 7 tháng đầu năm nay là khoảng 345.000 tấn.

“Thiếu hụt nguồn cung từ Ấn Độ, trong khi doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn tiếp tục sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường, thì chắc chắn sẽ khiến giá tấm và phụ phẩm của ngành lúa gạo Việt Nam sẽ được kích thích tăng cao trong thời gian tới”, ông Thành dự báo.

Không ít nông dân, doanh nghiệp đang chịu lỗ

Không chỉ gạo, giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long những ngày qua cũng tăng 300-400 đồng/kg sau khi Ấn Độ có chính sách mới. Điều này, khiến không ít hộ nông dân rơi vào cảnh lỗ lã vì đã nhận cọc bán lúa trước đó.

Trao đổi với KTSG Online, ông Trần Văn Tú, một nông dân ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, cách đây hai tuần ông nhận cọc bán lúa Đài Thơm 8 cho thương lái với giá 5.700 đồng/kg, nhưng hiện nay loại giống này được thương lái thu mua có giá là 6.000-6.100 đồng/kg

Theo ông Tú, 2 héc ta lúa Đài Thơm 8 của ông sẽ được thu hoạch vào ngày 16-9 tới. “Lúa chưa thu hoạch, nhưng đã cầm chắc lỗ 6.000-8.000 đồng mỗi giạ (20 kg) rồi”, ông nói và cho biết, nếu năng suất đạt 40 giạ/công (1.000 m2), thì coi như vụ Thu Đông này ông lỗ trước mắt khoảng 240.000-320.000 đồng mỗi công.

Đa phần nông dân sản xuất lúa đều nhận cọc trước ngày thu hoạch khoảng nửa tháng, cho nên, chắc chắn sẽ có không ít hộ nông dân cũng chịu chung cảnh ngộ như trường hợp của ông Tú.

Trong khi đó, bà Liên của Công ty TNHH Lương thực Thực phẩm Long An nói rằng, giá gạo lên cao trong khi có không ít doanh nghiệp đã ký hợp đồng giá thấp trước đó, nay trả đơn hàng đang phải chịu lỗ. “Đài Thơm 8 mà ký 420 đô la Mỹ/tấn, thì hiện nay giao hàng chắc chắn sẽ lỗ”, bà nói.

Theo bà Liên, giá xuất khẩu đã ký 420 đô la Mỹ/tấn, thì tương đương với giá gạo là 9.600 đồng/kg. “Trong khi đó, giá gạo chưa sortex đã tăng lên 9.100 đồng/kg và nếu sortex sẽ là 9.500-9.600 đồng/kg. Như vậy, rõ ràng doanh nghiệp xuất sẽ lỗ”, bà dẫn chứng.

Theo: thesaigontimes




(+84) 832 66 67 68